Đó là nội dung chính trong dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập vừa được Chính phủ công bố lấy ý kiến rộng rãi.
Đối tượng nào được gọi là người có tài năng?
Dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng với 2 nhóm đối tượng.
Thứ nhất là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là người có tài năng đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai là nhóm đối tượng thu hút, gồm: người Việt Nam có tài năng làm việc ở khu vực ngoài nhà nước; nhà khoa học trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc ở các cơ sở đào tạo trong nước, nước ngoài và người nước ngoài có tài năng được thu hút vào làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tìm kiếm, phát hiện người có tài năng trong các ngành, lĩnh vực theo các nhóm: Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo; Người có học vị, học hàm giáo sư, phó giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; Người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ.
Dự thảo này cũng quy định cụ thể các tiêu chí xác định người có tài năng theo các nhóm khác nhau. Đáng chú ý, việc xác định người có tài năng được thực hiện thông qua hội đồng lựa chọn người có tài năng của ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý. Hội đồng này làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết đa số để chọn ra người có tài năng. Sau 3 năm kể từ ngày được cấp có thẩm quyền công nhận là người có tài năng, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải được xem xét, đánh giá để tiếp tục được công nhận hoặc thôi công nhận là người có tài năng.
Ưu tiên thuê nhà ở công vụ hoặc vay tiền mua nhà ở trả góp
Dự thảo Nghị định cũng quy định chính sách để thu hút người có tài năng. Cụ thể là tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng theo quy định của Chính phủ. Ưu tiên ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Với nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chính sách trọng dụng người có tài năng gồm môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc; quy hoạch, bổ nhiệm và tiền lương, chế độ phúc lợi. Trong đó, riêng về chính sách tiền lương, hằng tháng người có tài năng được hưởng một khoản tiền khuyến khích bằng 100% mức lương hiện hưởng.
Bên cạnh đó, người có tài năng còn được ưu tiên thuê nhà ở công vụ hoặc vay tiền mua nhà ở trả góp theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, được giữ nguyên chế độ, chính sách trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp địa điểm học tập không ở địa phương nơi công tác thì được hưởng các chế độ như đối với người được cử đi công tác.
Khi đến tuổi về hưu, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện tiếp tục làm việc và cơ quan, đơn vị có nhu cầu thì được xem xét, quyết định kéo dài thời gian làm việc và được giữ nguyên chức vụ, chức danh cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhận, nhưng không quá 5 năm. Ngoài ra, còn được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn hoặc nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức…